Một nửa trong số 2.500 cơ sở kinh doanh mua bán, chế tác vàng bạc, đá
quý, thu đổi ngoại tệ, quỹ tiết kiệm và chi nhánh ngân hàng chưa thực hiện việc
lắp đặt thiết bị báo động, thiết bị an ninh, và chưa có bảo vệ chuyên
trách.
Từ lâu, cướp tiệm vàng, cướp ngân hàng,... luôn
là nỗi kinh hoàng đối với nhiều người bởi đây là loại tội phạm cực kỳ manh động,
liều lĩnh và nguy hiểm. Không chỉ mang theo vũ khí "nóng", các đối tượng còn sẵn
sàng ra tay, tấn công những người xung quanh để uy hiếp cướp tài sản hoặc triệt
đường báo động, truy bắt của mọi người. Thế nhưng, thực tế, nhiều địa điểm kinh
doanh vàng bạc, ngân hàng còn lơ là, chủ quan và đã bị tội phạm lợi dụng gây
án.
Nhận diện tội phạm
Chỉ trong vòng 10 ngày cuối tháng 4/2010,
trên địa bàn TP HCM đã liên tiếp xảy ra 2 vụ cướp tiệm vàng với phương thức, thủ
đoạn tương tự nhau. Lợi dụng giờ vắng khách, đối tượng vào cửa hàng đập vỡ tủ
kính bày hàng lấy đi số lượng lớn vàng trang sức nhảy lên xe máy của đồng bọn
chờ gần đó tẩu thoát. Đáng chú ý, cả 2 tiệm vàng này, ngoài nhân viên bán hàng
đều không có bảo vệ, không có hệ thống camera giám sát hoặc thiết bị báo động
khẩn cấp...
Theo đánh giá của cơ quan Công an, trong những năm gần
đây, hoạt động của tội phạm cướp tiệm vàng và các loại tội phạm liên quan đến
việc chiếm đoạt tài sản khu vực xung quanh các ngân hàng, quỹ tiết kiệm... ngày
càng diễn biến phức tạp.
Trong 2 năm 2007-2009, toàn quốc xảy ra 28
vụ cướp tiệm vàng, trong đó nhiều nhất ở TP HCM, thủ đoạn chủ yếu là dùng súng
xông vào khống chế người kinh doanh để cướp tài sản. Đáng chú ý, tất cả những vụ
cướp tiệm vàng, khi "kiểm điểm" lại, các cơ sở hoặc không lắp đặt thiết bị báo
động, lực lượng bảo vệ quá mỏng, có nơi lắp camera nhưng... chưa kịp ghi lại
hình. Trong khi đó, trước khi gây án, tội phạm đã có thời gian nghiên cứu rất kỹ
các sơ hở này và chọn thời điểm vắng người như trưa, chiếu tối để ra
tay.
Ngân hàng, tiệm vàng chủ quan với cướp
.
Thống kê của Đội Chống cướp, cướp giật - Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an
Hà Nội, ngoài các vụ đối tượng "to gan" vào tận bên trong ngân hàng, quỹ tiết
kiệm, hiệu vàng để cướp tài sản, tội phạm cướp, cướp giật chiếm đoạt tài sản của
ngân hàng, tiệm vàng hoặc những người đến giao dịch diễn ra với các thủ đoạn
sau: Giả vờ bán ngoại tệ, vàng, yêu cầu các cửa hàng vàng bạc mang đến địa điểm
do đối tượng phục sẵn để cướp.
Điển hình như 14h ngày 2/3/2009, đối
tượng gọi điện thoại đến tiệm vàng 33 Hà Trung, Hà Nội nói có 45 cây vàng muốn
bán. Khi 2 nhân viên tiệm vàng là anh Kiên, chị Thúy mang 800 triệu đồng đến địa
chỉ số nhà 28 khu biệt thự 3X2 Linh Đàm theo hẹn của đối tượng để mua vàng, đã
bị 4 đối tượng dùng súng điện và bình xịt hơi cay tấn công, cướp số tiền
trên.
Một thủ đoạn khác của tội phạm là giả vờ vào tiệm vàng hỏi
mua, yêu cầu đưa hàng cho xem thử rồi lợi dụng sơ hở bỏ chạy ra ngoài, lên xe
máy đồng bọn chờ sẵn; phục tại khu vực xung quanh ngân hàng, tiệm vàng... chờ
người đến lấy tiền đi ra thì bám theo để cướp, cướp giật, dùng chông sắt làm
thủng lốp xe để tạo cơ hội trộm cắp tài sản, bám theo những người chuyên chở
tiền để cướp.
"Lỗ hổng" từ sự chủ quan
Cuộc khảo sát
mới đây của Công an TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có gần 2.500 cơ sở
kinh doanh mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý, thu đổi ngoại tệ, quỹ tiết kiệm và
chi nhánh ngân hàng. Được xác định là loại hình kinh doanh đặc biệt, "nguy cơ
cao" bị tội phạm cướp, cướp giật tấn công nhưng có tới một nửa số cơ sở chưa
thực hiện việc lắp đặt thiết bị báo động, thiết bị an ninh và chưa có bảo vệ
chuyên trách.
Cũng qua đợt khảo sát này cho thấy, mặc dù đã được vận động,
tuyên truyền song còn nhiều cơ sở kinh doanh chủ quan, chưa nhận thức đúng về
công tác phòng ngừa cướp có vũ khí.
Khi được vận động thì đưa ra
nhiều ý kiến tiêu cực, không thấy cần thiết phải lắp đặt, đưa ra nhiều lý do để
né tránh hoặc có cam kết nhưng không thực hiện. Cá biệt có những cơ sở bất hợp
tác với cơ quan Công an. Những cơ sở kinh doanh vàng bạc quy mô nhỏ thì lấy lý
do không đủ điều kiện kinh phí lắp đặt thiết bị bảo vệ và thiết bị an ninh,
người trong gia đình tự kinh doanh và bảo vệ.
Một số cơ sở lấy lý
do thuê địa điểm, thường xuyên thay đổi địa điểm, việc lắp đặt phải được sự đồng
ý của chủ nhà... để "từ chối" việc vận động, tuyên truyền lắp đặt thiết bị bảo
vệ của cơ quan chức năng. Nhân viên nhiều cơ sở kinh doanh khi được hỏi tỏ ra
lúng túng, không biết cách giải quyết tình huống khi có sự việc xảy ra; không
biết số điện thoại nóng thông tin cho Công an trong trường hợp khẩn cấp, một số
điểm không biết số điện thoại khẩn của Công an.
Trường hợp các cơ
sở tự lắp đặt thiết bị bảo vệ và thiết bị an ninh, do không có sự tư vấn của cơ
quan Công an nên thiết bị không phát huy hiệu quả như vị trí lắp camera không
quan sát được rõ, quan sát từ phía sau khách giao dịch, ngược chiều ánh sáng...
Chuông, còi báo động lắp đặt không phù hợp, thường lắp trong phạm vi nội bộ,
tiếng chuông báo động nhỏ không cảnh báo được những người xung
quanh.
Nhiều chi nhánh ngân hàng, điểm thu đổi ngoại tệ, quỹ tín
dụng... bố trí điểm để tài sản, quầy giao dịch không hợp lý, đối tượng dễ tiếp
cận nhân viên để khống chế. Lực lượng bảo vệ chưa được trang bị kiến thức nghiệp
vụ, đa số tự tuyển và hợp đồng trực tiếp với nhân viên...
Điển hình
như trưa 5/4, một đối tượng đã xông vào Chi nhánh Ngân hàng Hàng Hải tại Ô Chợ
Dừa, dùng súng và dao đe dọa, cướp số tiền gần 100 triệu đồng. Vụ việc xảy ra
vào giờ nghỉ trưa, chỉ có 1 nhân viên bảo vệ ở phía ngoài...
Phòng
ngừa tội phạm cướp tiệm vàng, ngân hàng như thế nào?
Một chủ tiệm
vàng lớn trao đổi kinh nghiệm: Có 2 loại khách thường xuyên giao dịch. Thứ nhất
là khách quen, giao dịch nhiều lần và biết nguồn gốc. Thứ hai nếu là khách lạ,
khách vãng lai thì phải chú ý quan sát kỹ nhưng khéo léo tránh gây sự khó chịu.
Nếu là khách mua hàng thật, họ thường chỉ quan tâm tới mặt hàng đã định trước,
chỉ hỏi và xem những loại hàng theo dự tính chứ không kéo dài thời gian quan sát
bằng những câu chuyện phiếm.
Khuyến cáo của Phòng CSĐT tội phạm về
TTXH, để phòng ngừa hiệu quả các loại tội phạm chiếm đoạt tài sản của ngân hàng,
tiệm vàng thì yếu tố tự phòng là quan trọng nhất. Chủ cơ sở phải ý thức được "an
toàn" chính là một điều kiện để phát triển kinh doanh, sẽ tự làm tốt công tác
bảo vệ cho chính cửa hàng, đơn vị mình.
Do đó, các tiệm vàng, ngân
hàng cần làm tốt các biện pháp sau: Tại các điểm giao dịch của ngân hàng, chi
nhánh ngân hàng phải được lắp đặt camera có khả năng quan sát và ghi lại hình
ảnh rõ nét, lắp đặt các thiết bị về an ninh, hệ thống báo động. Bố trí lực lượng
đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, được trang bị kiến thức trong công tác bảo
vệ, đặc biệt là phản ứng giải quyết trong các tình huống bất ngờ. Tổ chức tốt
công tác bảo vệ cả ngày và đêm. Trong quá trình làm nhiệm vụ, nếu phát hiện dấu
hiệu nghi vấn phải thông báo ngay cho cơ quan Công an.
Tại các chi
nhánh ngân hàng, tiền phải để trong két sắt đảm bảo an toàn. Khi vận chuyển số
lượng tiền lớn phải có xe chuyên dụng, có lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp đi
cùng. Nếu không có bảo vệ chuyên trách, có thể đề nghị cơ quan Công an hỗ trợ
lực lượng bảo vệ. Khi gặp các tình huống bất ngờ không được dừng lại dọc đường
mà phải đi đến cơ quan Công an gần nhất. Đối với người dân đến giao dịch, mua
bán tại tiệm vàng, ngân hàng, khi mang theo tài sản lớn nên đi bằng ôtô và có
người bảo vệ. Tốt nhất là cho xe chạy vào trong nhà rồi mới mở cửa đưa tài sản
xuống. Nếu đi xe máy, nên để tài sản trong cốp xe, không nên để trong túi xách
treo trên xe hoặc cầm trên tay